(ĐTTCO) - Hiện nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã xây dựng gói tín dụng xanh với nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp.
Nhiều ngân hàng tham gia
Từ năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Đến năm 2018, trong Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến 2030, ngành ngân hàng xác định phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh. Thời gian qua, nhiều NHTM không chỉ tích cực cho vay với các dự án “xanh” mà ngày càng mở rộng quy mô tín dụng xanh, thông qua việc huy động vốn từ các định chế tài chính nước ngoài.
Giao dịch tại một chi nhánh Ngân hàng Agribank tại TPHCM. Ảnh: NHUNG NGUYỄN |
Cụ thể, sau khi đưa ra gói tín dụng ưu đãi 300 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, VietCapital Bank vừa dành thêm 500 tỷ đồng cho gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi từ 8,9%/năm để cho khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ các hoạt động nuôi trồng có ứng dụng công nghệ hoặc mô hình theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ…
Mới đây, Vietcombank cũng vừa cấp khoản tín dụng trung và dài hạn 4.000 tỷ đồng cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam để tài trợ cho dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Trong tháng 3 vừa qua, Vietcombank và Ngân hàng JBIC (Nhật Bản) đã ký kết hợp tác trị giá 300 triệu USD, thêm vốn hỗ trợ cho các dự án năng lượng tái tạo.
Nam A Bank cũng đã “xanh hóa” danh mục tín dụng với định hướng tập trung phát triển các lĩnh vực ô tô điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Ngân hàng này vừa ký kết hợp tác cùng Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) triển khai chương trình tín dụng xanh nhằm ưu đãi tài trợ cho các nhu cầu tiêu dùng, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội. Hiện dư nợ tín dụng xanh của Nam A Bank lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Từ năm 2017, MB đã triển khai cho vay với các dự án năng lượng tái tạo. Hiện MB dành 8%-10% tổng dư nợ để cho vay đối với các lĩnh vực tín dụng xanh; đồng thời đặt mục tiêu nâng tỷ trọng tín dụng xanh, tín dụng phục vụ chuyển đổi công nghệ lên 15% vào năm 2026.
Dư nợ tín dụng xanh của BIDV vào cuối năm 2022 ở mức 63,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng dư nợ ngân hàng và 13% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực xanh toàn bộ nền kinh tế. Lãnh đạo BIDV cũng cam kết mở rộng danh mục cho vay các lĩnh vực xanh và bền vững đến năm 2025 dự kiến đạt 3 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của BIDV…
Cần thiết ban hành quy chuẩn xanh
NHNN đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26. Động thái này thể hiện quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc chung tay thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero mà Việt Nam đang thực hiện.
Hiện đã có 39 tổ chức tín dụng cấp vốn xanh với tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ trọng tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn, dư nợ tín dụng xanh đạt hơn 500.500 tỷ đồng và chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Lý giải tín dụng xanh còn khiêm tốn mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ cả NHNN và các NHTM, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nêu ra nhiều lý do. Trong đó, nguyên nhân chính từ việc chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh; công tác giám sát, quản lý rủi ro khi cấp tín dụng xanh còn vướng mắc do thiếu quy định, tiêu chí đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường…
Lãnh đạo một NHTM đang triển khai gói tín dụng xanh tại TPHCM cũng chia sẻ: Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi phải có kiến thức về môi trường chuyên sâu khi thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng, trong khi nhiều cán bộ tín dụng chưa có kỹ năng này.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn mà nguồn vốn cho vay của ngân hàng thường là vốn huy động ngắn hạn nên khó cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.
Điện mặt trời trên mái nhà khu tổng kho tại Khu công nghiệp Tân Bình, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
“Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu nên không chỉ phụ thuộc vào tín dụng của ngân hàng mà cần phát triển thị trường trái phiếu xanh, thị trường mua bán tín chỉ carbon”, vị này đề xuất.
Theo nhiều chuyên gia, để thúc đẩy tín dụng xanh, việc ban hành bộ quy chuẩn về điều kiện cho vay tín dụng xanh với những tiêu chí cụ thể là vấn đề cấp bách. Vì nó sẽ là “kim chỉ nam” để hướng dẫn các ngân hàng trong nước và quốc tế đẩy tín dụng xanh hiệu quả hơn.
Việt Nam có thể tham khảo từ các nước phát triển để có bộ quy chuẩn phù hợp dựa trên nhiều yếu tố vì tín dụng xanh đã phổ biến trên toàn cầu từ rất lâu. Không chỉ các NHTM trong nước, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam như HSBC Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam… luôn có nguồn vốn tài trợ cho các dự án xanh.
Nếu Việt Nam có khung quản lý được tiêu chuẩn hóa, thậm chí có thể bao gồm cả báo cáo môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của các doanh nghiệp được công khai và định nghĩa rõ ràng hơn về dự án xanh thì các ngân hàng quốc tế có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thúc đẩy kinh tế xanh.
* Ông MARTIJN REGELINK, chuyên gia tài chính cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB):
Theo yêu cầu của NHNN Việt Nam, WB hiện đang xây dựng chương trình hợp tác dài hạn để khắc phục những hạn chế trong hoạt động tín dụng xanh của các ngân hàng; tìm các giải pháp tài trợ dài hạn liên quan đến biến đổi khí hậu và tích hợp vào thị trường tài chính địa phương.
Ngoài ra, WB cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho NHNN và các NHTM trong việc xây dựng và hoàn thiện các hướng dẫn để lồng ghép rủi ro khí hậu vào khuôn khổ quy định, giám sát và hoạt động cho vay các ngân hàng.
Nguồn: https://dttc.sggp.org.vn/ngan-hang-tang-toc-chuyen-dich-theo-xu-huong-tin-dung-xanh-post107845.html