/Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm... Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Thái Nguyên đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân.
Với việc áp dụng lò đốt than sinh học, Hợp tác xã Nông sản Vạn Lộc (xã Cây Thị, Đồng Hỷ) đã bước đầu chủ động được nguồn phân bón hữu cơ tại chỗ để bón cho cây măng tre lục trúc.
Nhằm tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn phân bón hữu cơ, giảm thiểu chi phí sản xuất, giảm rác thải, ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, từ tháng 5-2023, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh (Trung tâm) đã phối hợp với Công ty CP Carbon sinh học Biochar thực hiện Dự án sản xuất than sinh học và bảo vệ môi trường cho hội viên nông dân trên địa bàn.
Trung tâm đã phối hợp với cán bộ Công ty và giảng viên Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tổ chức 20 lớp tập huấn cho 1.200 cán bộ, hội viên nông dân tại 20 xã trên địa bàn 5 huyện: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương, Định Hoá và cấp miễn phí 19 lò đốt than sinh học cho nông dân.
Lò đốt than sinh học được ứng dụng tại Thái Nguyên. (Ảnh Báo Dân Việt).
Ông Lê Đàm Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Mục đích của chương trình là giúp bảo vệ môi trường không khí, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học. Than sinh học có khả năng ngậm nước tốt, hấp thụ các khoáng chất trong đất và lưu giữ các khoáng chất đó trong đất. Đây là nguồn phân bón rất tốt đối với cây trồng. Đặc biệt, sau một quá trình sử dụng, phân bón từ than sinh học sẽ giúp cải tạo toàn bộ đất để giảm dư lượng thuốc trừ sâu và chất hóa học trong đất. Dự án mới triển khai song được nông dân đón nhận và áp dụng tích cực.
Anh Lâm Xuân Quang, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Vạn Lộc, xã Cây Thị (Đồng Hỷ), một trong những người sử dụng lò đốt than sinh học, chia sẻ: Với trên 4.000 gốc tre, sản phẩm măng tre lục trúc đều được chứng nhận VietGAP thì việc sử dụng phân bón hữu cơ với chúng tôi là rất cần thiết. Sau khi được tập huấn và tặng 2 lò đốt, chúng tôi đã khai thác tối đa công năng sử dụng. Trung bình 120kg nguyên liệu sẽ được 40-45kg than biotra. Nhờ vậy, Hợp tác xã đã bước đầu chủ động được nguồn phân bón đảm bảo và tiết giảm được 50% kinh phí so với việc phải mua phân bón như trước đây. Đồng thời, việc sử dụng than sinh học này sẽ giúp tẩy rửa và cải tạo nguồn đất, tăng độ dinh dưỡng cho cây, giúp cây phát triển bền vững.
Bên cạnh hiệu quả của Dự án sản xuất than sinh học, thời gian qua, thực hiện “liên kết 4 nhà” trong sản xuất, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp phổ biến các tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi, quy trình công nghệ tiên tiến, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nước tự động, công nghệ chuồng kín trong chăn nuôi.
Các cấp Hội cũng chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung ứng phân bón, giống cây trồng cho nông dân.
Từ năm 2022 đến nay, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức 40 lớp dạy nghề cho hơn 1.200 học viên, 1.760 lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho trên 80.000 lượt hội viên, nông dân tham gia.
Một số hoạt động tập huấn chuyển giao đang được thực hiện như: Tổ chức tập huấn kỹ thuật triển khai 2 ô mẫu sử dụng phân bón lá PGP của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tenabio Việt Đức cho cây chè trên diện tích 1.000m2 tại xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên); hỗ trợ phân bón gốc hữu cơ của Công ty CP Sản xuất Thương mại XNK Boss Farm cho cây chè diện tích 1.000m2 tại xã Sơn Phú (Định Hóa)…
Ngoài ra, các cấp Hội cũng đang triển khai xây dựng 7 mô hình ô mẫu sử dụng chế phẩm sinh học Enzymes dùng trong chăn nuôi gà, lợn tại xã Phục Linh, xã Na Mao (Đại Từ) và xã Phấn Mễ (Phú Lương); bàn giao con giống, vật tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng cho Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Việt Bắc.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng và bảo hộ các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm có giá trị kinh tế cao của tỉnh, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng, ứng dụng công nghệ.
Hàng năm, các cấp Hội tổ chức đưa hội viên tham quan học tập kinh nghiệm ứng dụng khoa học - kỹ thuật tại các tỉnh bạn; ký kết chương trình phối hợp với các đơn vị, tạo điều kiện cho hội viên nông dân đi học tập và làm việc ở nước ngoài...
Theo Tạp chí điện tử Công nghiệp môi trường